Biến chứng tim mạch ở người tiểu đường khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây tử vong rất cao. Vậy biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường có triệu chứng gì, điều trị như thế nào?
Mục lục
Vì sao người bị tiểu đường dễ mắc các bệnh tim mạch?
Tiểu đường là bệnh nội tiết chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng đường glucose máu mạn tính. Glucose máu tăng cao làm tổn thương tế bào nội mạc khiến chức năng nội mạc mạch máu bị rối loạn. Khi đó, các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc để hình thành mảng vữa xơ động mạch. Nếu các mảng xơ vữa đã hình thành từ trước thì sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch khiến máu khó lưu thông.
Bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu và gây ra biến chứng tim mạch
Các tổn thương ở nội mạc mạch máu cũng là nguyên nhân hình thành các huyết khối trong lòng mạch máu và làm tắc mạch máu cấp tính. Tùy thuộc vào từng vị trí bị tắc mạch máu mà người bệnh có thể gặp các tình trạng khác nhau. Ví dụ như tắc động mạch chi sẽ gây hoại tử đầu chi, tổn thương động mạch mắt có thể dẫn tới mù lòa, tắc mạch máu não sẽ gây ra tai biến mạch máu não.
Dấu hiệu nhận biết biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Như đã nói ở trên, tùy vào vị trí bị tổn thương mà các biến chứng tim mạch sẽ làm xuất hiện các triệu chứng khác nhau và gây ra hậu quả cũng khác nhau:
– Bệnh mạch vành: triệu chứng điển hình là đau thắt ngực, có cảm giác như tim bị bóp nghẹt, nhồi máu cơ tim. Những biến chứng này có thể gây tử vong trong thời gian rất ngắn. Đây là các tình trạng đặc trưng khi bị tổn thương hoặc tắc động mạch vành.
Cá biến chứng bệnh mạch vành có thể gây tử vong trong thời gian ngắn
– Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Các dấu hiệu sớm có thể là chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ. Triệu chứng có thể thoáng qua rồi biến mất hoặc bị liệt nửa người, méo miệng kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau ngay từ ban đầu.
– Bệnh lý mạch máu ngoại biên: biểu hiện sớm là “đi cà nhắc cách hồi”, đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ; sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu sẽ thuyên giảm, người bệnh lại có thể tiếp tục đi được cho đến khi lại xuất hiện lại các triệu chứng đau. Các dấu hiệu khác bao gồm chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi.
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán kịp thời.
Những yếu tố khiến bệnh tim mạch ở người tiểu đường tăng nặng
Biến chứng tim mạch ở người tiểu đường sẽ diễn biến phức tạp hơn dưới sự tác động của các yếu tố sau:
– Người cao tuổi, cụ thể là từ 60 tuổi trở lên.
– Tiền sử gia đình có người tử vong do nhồi máu cơ tim.
– Người có bệnh nền tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là yếu tố khiến bệnh tim mạch tăng nặng
– Người bị béo phì hoặc rối loạn lipid máu.
– Người nghiện thuốc lào, thuốc lá hoặc rượu bia.
– Người ít vận động.
Trong đó, ngoài yếu tố tuổi tác và tiền sử gia đình thì các yếu tố khác hoàn toàn có thể tác động để thay đổi được đặc biệt là việc loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá hoặc lười vận động.
Nguyên tắc điều trị biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Việc điều trị biến chứng tim mạch ở người tiểu đường cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Kiểm soát tốt lượng đường trong máu theo khuyến cáo của Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam: đảm bảo đường huyết lúc đói ≤7,0-7,5 mmol/l và HbA1C ≤6,5-7%.
– Kiểm soát tốt huyết áp: đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80 mmHg.
– Điều trị toàn diện, không những điều trị các biến chứng như bệnh mạch vành hay bệnh mạch máu não mà phải kết hợp với xử lý các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, hút thuốc là và rối loạn lipid máu.
Người bệnh tiểu đường cần theo dõi các chỉ số sức khỏe thường xuyên
Người bệnh cũng cần theo dõi các chỉ số sức khỏe thường xuyên và định kỳ để kịp thời phát hiện các biến chứng để xử trí sớm và triệt để.
Cách phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Để phòng ngừa biến chứng tim mạch và các biến chứng khác, người bệnh tiểu đường nên lưu ý một số điều sau:
– Kiểm soát tốt căng thẳng, ngủ đủ giấc để góp phần ổn định huyết áp.
– Ăn uống đủ dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp đủ chất cho cơ thể nhưng nên hạn chế tiêu thụ quá nhiều tinh bột hoặc đường. Tăng cường ăn rau xanh và bổ sung protein từ thực vật.
Người bệnh tiểu đường gặp các biến chứng tim mạch nên ăn uống lành mạnh
– Tuyệt đối không hút thuốc thuốc lá, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích có hại cho cơ thể.
– Tăng cường vận động thể lực, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần.
– Sử dụng nhật ký, sổ theo dõi hoặc biểu đồ để theo dõi chỉ số huyết áp, đường máu, nếu chỉ số cao bất thường phải liên hệ với bác sĩ ngay.
Ngoài ra, cần được truyền thông mạnh mẽ về các biến chứng tim mạch ở người tiểu đường để bệnh nhân nắm rõ các triệu chứng sớm của bệnh và đi khám kịp thời khi có bất cứ triệu chứng nào.